Nâng lòng “Tạ ơn” thành kinh nguyện hằng ngày.
Tạ ơn là một đề tài quá quen thuộc đến nhàm chán, nhưng tôi vẫn xin góp ý để bàn thảo hoặc ít ra là để đọc cho vui.
1. CÁC CÁCH THỨC VÀ Ý NIỆM TẠ ƠN THÔNG THƯỜNG:
Khi nói đến tạ ơn, ta thường nghĩ đến các đối tượng như tạ ơn Thiên-chúa, tạ ơn trời đất, tạ ơn các cấp trên, rồi đến tạ ơn người bình thường ngang hàng với minh và hiếm hoi nữa là tạ ơn người mà ta không ưa, hay có thể là địch thủ của mình.
- Có cách tạ ơn bề ngoài như đền ơn bằng vật chất, quà cáp theo phép xã giao lịch sự.
- Có cách tạ ơn chân thành tự trong thâm tâm, có khi không có những đền đáp bên ngoài mà chỉ giữ trong nội tâm, chỉ mình biết mình, đây là chữ tạ ơn mà tôi muốn mời quý bạn cùng khai thác và đem lãnh vực này vào sâu tâm tư như một kinh nguyện sống.
2. Ý NIỆM CAO QUÝ PHẢI CÓ VỀ TẠ ƠN:
Ai đã có lần hồi tưởng lại một ân huệ nào đó mình nhận được từ Thượng-đế hay từ một con người nào mà trong lòng mình có cảm giác biết ơn, không phải với một tâm tư hời hợt nhưng là một tâm tư chân thành từ đáy lòng. Đây là trạng thái tạ ơn hướng vào nội tâm và được nuôi dưỡng, thấm nhuần bởi lương tri và lòng nhân nghĩa.
Trong cuộc sống đầy khó khăn, mọi người đều ít nhiều đã có lần nhờ vả đến người khác. Có những nhờ vã có tính cách trao đổi lợi lộc vật chất nhưng ở đây tôi chỉ muốn bàn đến những nhờ vả có tính cách tình nghĩa và có thể vô vị lợi (mà nay hồi tưởng lại tôi đã hối tiếc không nhận ra để ghi nhớ, trau dồi tình người, tình thân).
Ai đã có lúc hồi tưởng lại những may mắn và ơn huệ mình đã nhận được trong đời thì có thể ít nhiều đã nhận ra được ban tay của Thượng-đế hoặc sự giúp đỡ của tha nhân để cảm nhận sự bé nhỏ của con người mình và do đó sinh ra lòng khiêm nhường hơn trong cuộc sống chăng! Hoặc khi gặp cảnh khó khăn đau khổ, ta cũng có thể hồi tưởng lại những khó khăn đau khổ mà mình đã từng trải qua cũng như những may mắn ơn huệ mình đã nhận được, để tự an ủi và tự động viên để vượt qua hiện tại.
3. TẠ ƠN NGƯỜI CŨNG LÀ LUYỆN TU ĐỨC CHO CHÍNH MÌNH:
Dám nhận ra rằng mình phải biết ơn Thượng-đế và người khác thì đồng thời mình cũng tập được lòng khiêm nhường nghĩa là chấp nhận mình còn kém và còn phải nhờ đến người khác, nghĩa là mình sẽ không kiêu ngạo để nghĩ rằng mình làm được mọi sự. Biết ơn thì phải trả ơn, nghĩa là mình tập nhìn ra ngoài và như vậy mình sẽ dẹp được tính ích kỷ.
Từ điểm biết ơn ông bà cha mẹ, đi lên ta có Thượng-đế và đi xuống thì ta có anh em bạn bè hàng xóm,
ta có thể học được 3 bài học tu đức:
1. Mình sẽ bớt kêu ngạo và tập được cuộc sống khiêm tốn giản dị.
2. Mình sẽ biết nhìn đến người khác và thương mến, giúp đở họ.
3. Mình sẽ dễ dàng sống ngay thẳng, nhân ái và như vậy mình sẽ luyện được tư cách, nhân phẩm của mình.
Kết luận. Tinh thần tạ ơn là một triết lý sống, con người nên biết ơn những gì mình có được. Nếu chúng ta đã từng có lần bất hiếu với cha mẹ hoặc bất nghĩa với vợ con anh em thì chúng ta càng phải cảm ơn bao nhiêu dân tộc trên thế giới này đã đón tiếp chúng ta khi họ không phải là cha mẹ hay thân thuộc gì với ta.
4. THỰC HÀNH: SỐNG TINH THẦN TẠ ƠN HẰNG NGÀY:
Mỗi người chúng ta có thể lập ra những kinh tạ ơn sống bằng những kỷ niệm của riêng mình, ví dụ:
Để nhắc nhở mình phải biết tạ ơn Thượng-đế hoặc tha nhân đã giúp mình, hãy viết xuống một danh sách những chuyện quá khứ của đời mình, những may mắn, ơn huệ mình đã nhận được hoặc mình may mắn vượt qua được những khổ đau và tai ương... rồi từ đó, mỗi ngày chúng ta có thể lấy một hai kỷ niệm để suy niệm và đem lòng tạ ơn Thượng-đế hoặc khi gặp khốn khó thất vọng thì những suy niệm này cũng giúp ta tìm được sức sống vươn lên.
Để cụ thể hóa ý tưởng này, tôi xin đề ra đây một vài ví dụ của riêng tôi để gợi ý như sau:
Nói tổng quát thì tôi luôn tập hướng lòng cảm ơn Thượng-đế về cuộc sống thanh thản của tôi hiện tại. Tôi cũng như mấy triệu người Việt Nam, do thời thế, đã may man được đổi đời, sang sống ở ngoại quốc, mọi người, phần lớn được cung cấp một cuộc sống đầy đủ hơn triệu triệu người còn lại ở quê nhà. Những sự kiện này là do thời thế tạo nên chứ không phải tài ba của tôi. Những năm còn trẻ có đôi lúc tôi đã tự hào khoe khoang công lao của mình, nay tôi cảm thấy hối hận và xấu hổ và khi hối hận, tôi cảm nhận ra lòng khiêm nhượng để cảm tạ Thượng-đế và biết ơn những người đã giúp chúng tôi, và từ cảm nhận này, tôi nhận ra bổn phận phải giúp đỡ người khác như là đền ơn Thượng-đế và ân nhân của tôi.
Tôi nghĩ rằng, hầu hết mấy triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài sinh sống đều trải nghiệm qua những hoàn cảnh tương tự như tôi, dầu là nhóm chạy trốn từ năm 75 hoặc bằng thuyền nhân sau đó, hoặc theo chương trình HO, hay đoàn tụ v.v. Tất cả đã được hưởng bao nhiêu sự giúp đỡ của những người bản xứ, họ đã mở lòng đón nhận chúng ta và các chính phủ đều có chương trình xã hội rất rộng rãi mà ta gọi bằng từ rất chuẩn là “phúc lợi” (mà lúc đầu nhiều người nói lầm là “quyền lợi”).
Từ những ý niệm chính trên đây, tôi còn ghi nhớ những chuyện đặc biệt khác đã xảy ra trong nhiều năm qua, tôi ghi xuống để làm thành danh sách suy niệm mỗi ngày và tôi gọi đây như là kinh tạ ơn hằng ngày. Khi gặp những chuyện khó khăn bực bội, căng thẳng, tôi có thể dùng những chuyện này để tự an ủi rằng nếu tôi phải đổi lại với một cuộc sống như nhiều người nghèo khổ, xấu số đang trải nghiệm thì sao.
Nguyễn Thất-Khê
Comments